Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Viết thơ theo thể Haiku là một thay đổi của Nguyễn Tường Vĩnh



Vốn quen viết theo thể thơ truyền thống như lục bát, luật Đường Nguyễn Tường Vĩnh ít nhiều cũng có những bài đọc được nhưng khi viết thể loại đó anh cũng bộc lộ nhược điểm, đó là kể lể sự việc, những gì mắt thấy tai nghe anh liệt kê cho hết, đó là ép vần và lộ ý nên thơ thiếu cái hay của cái nghĩa bóng, nghĩa rộng và ý tại ngôn ngoại.
Bỗng nhiên anh viết theo thể loại Haiku độc đáo này. Quả là một sự thể nghiệm táo bạo, một cách làm mới mình, tránh những nhàm chán thường thấy ở nhiều tác giả không chuyên. Song việc làm mới mình đâu phải là dễ, đâu phải một lần làm mà đã thành công.

Nguyễn Tường Vĩnh đã ở tuổi ngoại thất tuần. Đời anh trải qua bao bước thăng trầm. Cũng là những bước đường lịch sử bi tráng của tuổi thanh xuân. Đến tuổi nghỉ anh từ giã đồng đội, chia tay bảng đen phấn trắng, đồng nghiệp và học sinh trở về với gia đình vui sống và… làm thơ.
Hơn chục năm nghỉ hưu tham gia sinh hoạt ở nhiều câu lạc bộ thơ, ngoài những thơ in chung hoặc đăng báo, anh đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập thơ với nhiều ký thác tâm sự của người thương binh, cựu chiến binh. Cựu giáo chức qua những vần thơ giản dị như phẩm cách người lính của anh.
Trong bài giới thiệu tập thơ này nhà văn Ngô Thảo đã nói khá đầy đủ về chặng đường đời của anh, qua đó ta hiểu thêm về chặng đường thơ và rồi dẫn đến sự không bằng lòng với những thể thơ cũ anh đã mạnh dạn bước vào giới hạn của một loại thơ mới lạ. Dĩ nhiên, đi tìm cái mới, bước vào một địa hạt lạ lẫm bao giờ cũng gặp phải gian nan trắc trở. Thơ Haiku đặc biệt quen thuộc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ- gọi là Sone (Sonnet)- một thể thơ cực ngắn, kiệm lời chỉ vỏn vẹn không quá 17 từ, bố cục trong 3 câu, không tên bài, không có vần, không có kết luận thế nhưng nó lại gói ghém được rất nhiều ý, nhiều điều tâm niêmh, trăn trở của người đời. Vì vậy thơ Sone không cho phép người viết kể lể dài dòng, vòng vo tam quốc mà đi thẳng vào vấn đề. Đòi hỏi người viết phải tư duy trực tiếp mà lại giàu tính triết lý, giàu chất thơ. Đòi hỏi sự cảm nhận vũ trụ quan, nhân sinh quan, thế giới quan của người viết chính xác hơn, mở rộng hơn.
Đọc những khổ thơ haiku của Nguyễn Tường Vĩnh tôi cảm thấy cái chất nhà giáo, chất bí thư của anh hiện rất rõ qua những lời ở khổ 4,5,11,12,13, 14,15. Tôi nghĩ là bạn đọc sẽ không thoải mái những lời giáo huấn lộ rõ trong thơ. Anh tự chiệm nghiệm cuộc sống ở khổ 2,3,9, và sự thưởng ngoạn thiên nhiên của một không gian êm ả nơi bến đò chiều vắng khách ở khổ 7,8. Dù chưa thật đạt nhưng những khổ thơ này vẫn còn dễ đọc hơn. Riêng khổ 1,6 là một sự đúc kết kinh nghiệm sống của con người:
Một giọt nước
hòa vào biển cả
Sẽ còn mãi mãi muôn đời.
Hòa nhập với tập thể thì còn, tách khỏi cộng đồng sẽ mất
Nước chảy đá mòn
Phải đâu vì nước mạnh
Mà chính vì nước chảy luôn luôn
Lòng kiên nhẫn sẽ làm cho sức yếu hóa mạnh.
Những đúc kết này không mới nhưng nó được đưa vào thơ ở một hình thức mới, chính đó là khám phá là sáng tạo mà người cầm bút cần có. Mong tác giả khai thác nhiều những vấn đề như thế và cách viết như thế.
Nguyên bản thơ Haiku ở Nhật gồm 17 từ nhưng khi dịchra tiếng Việt người ta còn cô đọng hơn. Ví dụ như bài dưới đây của Taigi:
Trong mua âm u
Hiên nhà thấm ướt
Mưa thu (10 từ)
Hay của Buson:
Đỉnh Yoshino

Nuốt vào mây trắng
Thở ra hoa đào (10 từ nhưng là 13 âm tiết)
Có một nguyên tắc rõ ràng nữa là thơ Haiku đòi hỏi rất nhiều ở người viết như lời khuyên của Soichi Furuta- nhà thơ lão luyện của Nhật
Phải quan sát khám phá; Mở rộng năm giác quan cũng như ký ức và tưởng tượng; Tránh dùng từ sáo mòn; Tránh dùng tính từ nếu thấy không thật sự cần thiết.
Vài năm gần đây ở nước ta có nhiều người suy nghĩ phải viết ngắn như thơ tứ tuyệt, lác đác có người viết thơ hai câu. Phần vì sợ độc giả không có thời gian để đọc những bài dài, phần vì cần sự thể nghiêm, khám phá mà sự thể nghiệm nào cũng có giá của nó. Không phải cái mới nào xuất hiện cũng đẹp cũng hay. Sự đánh giá nơi bạn đọc luôn là chuẩn mực.
Dù sao anh Vĩnh cũng đã có một suy nghĩ mơi, muốn làm mới mình, làm mới thơ mình, tránh những xáo mòn cũ kỹ. Và nếu muốn có một phong cách mới, một bút pháp riêng của anh thì đó chính là điều rất đáng khích lệ. Song, sự thành công còn phải có thời gian…
 Nguyễn Trung Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét