Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Một chút trong veo


Tôi đọc được câu thơ trên báo mà nhớ mãi:
Chỉ còn một chút trong veo
Ai mua không bán, ai nghèo thì cho.
Không nhớ tác giả là ai chỉ biết đó là tâm sự của một nhà giáo khi nghỉ hưu. Đọc hai câu lục bát ngắn ngủi này tôi chợt nghỉ: con người ai cũng có một chút trong veo để tự hào, để truyền lại cho con cháu. Cái chút trong veo ấy hẳn không phải là vật chất hữu hình có thể nhìn thấy như nhà kầu xe hơi, tiền vàng ăm ắp. Nó là thứ quý giá hơn nhiều lần tiền bạc châu báu. Đó là cái phẩm hạnh tiềm ẩn sâu trong mỗi con người và nó hiện hữu dưới nhiều dạng thức khác nhau. Cái chút trong veo của Nguyễn Tường Vĩnh là gì? Nó hiển hiện như thế nào xin hãy đọc tập thơ anh từ tập “ người về từ Tà Púc”(2004) và tập thơ này ta sẽ nhận thấy ngay qua cuộc đời từ khi mặc áo lính đến lúc vào tuổi cổ lai hy của anh.

Hành trình đời anh có thể tóm tắt : Nhập ngũ – chiến đấu, bị thương – chuyển ngành làm nhà giáo – nghỉ hưu. Anh là con người chân chất, sống có tình nghĩa. Tham gia mọi hoạt động công tác dù to nhỏ nơi mình ở. Có mặt ở nhiều câu lạc bộ mình thích. Làm thơ tặng nhiều bè bạn anh em. Có tiếp xúc với anh ta mới thấy cái trong veo của anh không phảilà thơ phú hay tiền bạc mà nó bộc lộ nhân sinh quan của anh bộ đội Cụ Hồ, một đảng viên cộng sản. Đó là nghị lực sống, tinh thần lạc quan , là khát vọng công hiến. Í tai có thể bắt gặp một nét bi quan nào trên gương mặt một người bị thương nặng, bị thương sọ não, bị liệt một chân, đi lại khó khăn, suy nghỉ hạn chế, ngay cả khi trái gió trở trời cơn đau hành hạ. Lúc nào cũng thấy anh vui cười, yêu đời. Gia đình anh yêm ấm, vợ thủy chung , con cái thành đạt. Công việc đoàn thể, xã hội anh luôn gương mẫu hoàn thành…
Trong thơ anh lộ rõ cái trong veo của mình : Anh đùa bỡn với vết thương nặng của mình và đồng đội: Ba đứa có hai chân nhưng “của quý” vẫn còn. Nghĩa là có ba thương binh cụt cả hai chân còn anh lại khuyết sọ ( ba đứa chúng tôi). Và tất cả những chiến binh ấy về với đời thường hằng ngày :
Cơm ăn ba bữa thừa rau muống
Rượu nhấp vài ly ế thịt gà
                                       ( về hưu)
Vẫn tự răn mình cần sống biết điều, tu nhân tích đức không khoe khoang công cán thời quá khứ. Họ bảo nhau:
Hữu xạ lừng hương nhiều bạn quý
Vô duyên khuếch khoác mấy ai yêu.
Chính Nguyễn Tường Vĩnh lúc nào cũng nuối hy vọng lớn lao về sự chuyển mình của đất nước, sự hoàn thiện của các đồng chí lãnh đạo . Anh có niềm tin Bố là liệt sĩ, con nối chí cha phấn đấu thành tiến sĩ. Đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Huy Quang có con là tiến sĩ Nguyễn Huy Cường trong bài Bố liệt sĩ, con tiến sĩ. Niềm tin hoàn toàn có thật.
Tuy vết thương nặng như thế nhưng anh vẫn đi đấy đó thăm bạn bè, tham quan thắng cảnh và thăm lại miền đất chiến trường xưa. Đến đâu, gặp ai anh đều có thơ với niềm tâm sự chân thành. Anh đã từng khẳng định: Thơ là liều thuốc an thần, liều thuốc bổ quý giá. Chính thơ đã làm tăng sự lạc quan của anh, làm tăng nghị lực sống và khát vọng cống hiến của anh, khiến anh vượt qua mọi cam go thử thách, làm trong trẻo thêm cái chút trong veo ẩn chứa trong anh.
Sống thanh thản vui tình người
Có thơ, có bạn cuộc đời ung dung
                                                   ( chữ tâm)
Bởi lẽ anh từng là một nhà giáo ( giảng viên chính bậc 7), bí thư đảng ủy của một trường mà nay là trường Lao Động Xã Hội, với chức danh ấy cũng khiến anh phải mẫu mực , phải phấn đấu để làm gương cho các thế hệ học sinh.
Anh làm thơ cũng là để răn mình, để hòa mình với cộng đồng, để dạy dỗ con cháu, để tâm sự cùng bạn bè. Anh coi thơ là một phần trong “của hồi môn” cho con gái đi lấy chồng. Nhiều bài thơ trân trọng ca ngợi tài đức của lãnh tụ, nhiều bài sâu sắc tình đồng đội , thắm thiết tình gia đình , tình quê hương với những kỷ niệm mãi mãi không quên. Rất nhiều bài thơ tình của thời trẻ trung được lưu trong kí ức anh đã chép ra để bầu bạn cùng đọc, cùng suy ngẫm.
Cũng như cuộc đời, thơ anh chắt chiu từng ly từng tý, gạn đục khơi trong. Khi đọc thơ anh ta thấy anh không một chút hằn học với đời, không một lời kêu ca với xã hội, không một câu phàn nàn với gia đình , không gợn một nỗi đau ghen tỵ trong tình yêu, không oán than gì, không chê trách chỉ thấy trọn vẹn tình yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên , yêu cuộc sống… tất cả anh đều mong nuốn mọi người được sống tốt đẹp, yêu thương nhau. Ngay cả người yêu đã quên anh đi lấy chồng anh vẫn cứ mong em vạn sự tốt lành/ để người yêu ấy như anh ngày nào hay mong sao em cũng yêu người ấy… Qua đó ta có thể thấy anh bao dung độ lượng như thế nào.
Thơ cũng như mọi hoạt động của con người đều có cái hay cái chưa hay. Cho nên thơ Tường Vĩnh hay của bất cứ một ai hay dở thế nào đều do bạn đọc bình xét  và thời gian kiểm chứng
Đã 70 tuổi, anh vẫn viết đều đặn, thân thể anh khỏe, tinh thần vẫn sảng khoái , trí lực vẫn minh mẫn. chúng ta chúc mừng anh. Chắc anh sẽ còn nhiều thơ nữa, sẽ có mặt trong nhiều cuộc sinh hoạt thơ sôi nỗi, lý thú, bổ ích hơn,
Trân trọng mừng tuổi 70 của anh

                                                                                       Trung Hậu
                                                                                 Chi hội viên tác giả
                                                                        Hội nghệ sĩ sân khấu VIệt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét