Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Khai bút đầu năm


Vào dịp đầu năm những ông đồ sĩ tử, những học trò thường khai bút, lấy đó làm định hướng cho cả năm học hành viết lách của mình. Tôi cũng có chút ít ham thích văn chương nên Xuân Mậu Tý này có ý muốn viết một vài câu thơ chào đón năm mới và chống lại cái sức ỳ mà lâu nay tôi chẳng chịu viết. Loay hoay mãi chưa biết viết gì thì anh Nguyễn Tường Vĩnh đưa cho bản thảo tập thơ Tiếng gọi thời gian với lời đề nghị tôi đọc, góp ý và viết lời bạt. Thế là tôi coi việc viết lời bạt cho cuốn sách là lời khai xuân của tôi làm quà lì xì tặng anh.

Đọc đi đọc lại hơn 120 bài thơ còn ở dạng bản thảo cũng không phải ít thời gian. Tuy nhiên tôi đã đọc một cách rất trách nhiệm và rút ra rằng, anh Vĩnh là một người say thơ vào bậc nhất của lớp người xưa nay hiếm mà tôi gặp. Bằng chứng là năm 2007 anh đã cho ra mắt tập thơ thứ ba Còn lại với thơ gồm 60 bài, nhằm góp bó hoa tặng cho Lễ kỉ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Thế mà năm nay… Mới có 12 tháng anh lại cho ra đời 120 bài thơ, nghĩa là 10 bài trong một tháng quả là con số kỷ lục, các nhà thơ xịn hẳn phải choáng!
Song, theo cổ nhân nói “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, số lượng cũng quý nhưng chất lượng hẳn là quý hơn. Chúng ta hãy cùng lần giở từng trang, đọc kỹ từng bài xem xem thơ anh thế nào.
Quả thật, qua bốn tập thơ anh bộc lộ ra một cá tính rất rõ khi làm thơ. Thứ nhất, là anh rất thích nhiều thể loại trong một tập. Nào thể Đường thi, lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, lục ngôn, tứ tuyệt, thơ mới, ca trù… Không ai bắt buộc người cầm bút phải viết một thể loại nhưng ai cũng có sở đoản và sở trường. Về mặt này, phải nói sở trường chiếm nửa số lượng bài viết. Phần lớn nội dung các bài này là mừng thọ các cá nhân và chào mừng sự ra đời của Hội này Hội kia, của câu lạc bộ thơ… cho nên không cần phải bàn thì các bài đó nghiêng về phía ca ngợi công lao, đức hạnh, truyền thống gia đình như quà tặng các thầy cô giáo, tặng các đồng đội anh hùng, thương binh, các gia đình liệt sĩ… nhân ngày xuân mới. Thể thơ đường luật có những quy tắc khắt khe về số câu, số chữ, về sự đối ngẫu và niêm luật vận làm cho tác agiả bị gò bó, nên  các bài thơ anh viết cùng một chủ đề, cùng trong tập sách ta cứ thấy na ná giống nhau về ý tứ và cả một số câu chữ. Điều đó làm giảm đi sự khám phá sáng tạo văn học. Mà văn chương tồn tại, phát triển được là do sự khám phá, phát hiện những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống.
Thể thơ anh viết đạt hơn cả chính là lục bát. Có lẽ vì thể loại truyền thống nên các bài lục bát của anh đã tạo cho người đọc sự thoải mái và nội dung các bài này cũng dễ tiếp nhận hơn. Thường là thể hiện niềm tâm sự, tình yêu, tình quê, tình cảm với lãnh tụ, với những thầy cô giáo, với đồng đội.. rất gần gũi với người đọc.
Hình như anh còn chưa thuần thục thể thơ mới nên anh viết còn nhiều bài chưa xứng tầm với một cán bộ từng là giảng viên chính bậc bẩy, một phó hiệu trưởng của một trường đại học, một người qua nhiều năm làm lính, làm thầy.
Thứ hai, qua thơ anh cũng toát lên một sự lao động công phu, miệt mài. Làm thơ không chỉ tuân thủ các thể loại mà còn mở rộng thể loại như thơ đồng vận bằng hoặc trắc, thơ khoán thủ, hay khoán thủ tung hoành. Viết được thơ Đường đúng luật đã là khó rồi mà sao anh còn gò mình vào các thể phức tạp thì tránh sao khỏi làm cho chất lượng bài thơ sẽ không được như ý và tiêu tốn không biết bao nhiêu là thời giờ.
Đối với người làm thơ nói riêng và viết văn nói chung, người ta thường hay ví rằng để thành công thì cần 1% năng khiếu và 99% là mồ hôi. Thực tế cho thấy rằng, nếu chỉ có 99% mồ hôi thì chất thơ chưa đủ cho bài thơ đứng vững. Hoặc chỉ có năng khiếu thôi mà lao động hời hợt thì không máy mà cạn vốn và sản phẩm thơ dễ trở nên xa lạ. Ở anh Vĩnh có cái cần cù, nghiêm túc trong lao động, có vốn sống dồi dào của người từng trải, có kinh nghiệm sâu sắc, có tư duy chín chắn cộng với quỹ thời gian của người hưu trí, những thứ đó giúp anh bắt nhịp với không khí của cuộc sống mới khiến anh có tầm nhìn xa về vũ trụ, về con người về các mối quan hệ từ đó cho anh viết được nhiều thơ hơn.

Tập thơ thứ tư này đánh dấu bước thay đổi về tay bút của anh. Phần nào đã thoát cách viết đơn giản, nặng về kể bản thân, kể sự việc, sự vật mà ít cảm xúc, ít hình ảnh, ít tu từ. Hơn thế, anh có ý định gắn chủ đề tập thơ với một dấu  mốc lịch sử đó là kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ gửi lá thư cuối cùng cho ngành giáo dục, 50 năm Bác nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cho nên thơ của anh đã xông thẳng vào các đối tượng là nhà trường, nhà giáo về quan hệ thầy trò cũng như vị thế người thầy trong xã hội. Ngoài ra, tuy không mang tâm trạng viết để thành ông nọ bà kia trong làng văn nhưng chí ít thì thơ cũng có tác dụng lớn lao trong cuộc đời anh yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên và con người hơn nữa. Còn thời giờ nào anh đều dành cho việc sinh hoạt các câu lạc bộ thơ. Tất cả mang lại cho anh niềm tin yêu, nguồn vui, nguồn động viên to lớn để anh sống và tiếp tục cống hiến trên những trang viết.
Năm mới xin chúc anh vui khỏe hạnh phúc và tiếp tục bước đường thơ ở phía cuối cuộc đời.

Trung Hậu (Chi hội tác giả - Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét